Danh sách mong muốn

BÍ MẬT TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN

Đăng bởi LÊ MINH LÝ vào lúc 06/11/2018
BÍ MẬT TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN

Khám phá bí mật trống đồng Đông Sơn

Đài "Tiếng nói nước Nga" phát thanh từ Matxcơva tiếp nối loạt bài của chuyên mục "Nhìn lại ngày hôm qua”, nói về lịch sử các mối liên hệ Nga-Việt.

Chúng tôi tiếp tục câu chuyện về nhà khảo cổ học Nga Viktor Golubev, người từ Pháp đến Việt Nam vào những năm 1920 để làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ và là người phát hiện ra nền văn hóa Đông Sơn.

Lần đầu tiên, trống đồng nổi tiếng thế giới đã được phát hiện tại Việt Nam trong quá trình xây dựng vào cuối thế kỷ 19.Thoạt đầu, các học giả đặt tên cho nó là "trống cầu mưa", vì trên trống có vẽ hình những con ếch. Thời đó trống đồng không được các chuyên gia chú ý đặc biệt. Trống được phát hiện ở các địa phương khác nhau của Việt Nam và chỉ được coi như những tác phẩm độc đáo của các nghệ nhân khu vực ở thời đại không xác định. Nhà sử học Matxcơva Maxim Syunnerberg cho biết:

“Năm 1925, Victor Golubev thấy ở chợ Thanh Hóa một đồ vật đồng rõ ràng có nguồn gốc cổ xưa và được chế tạo rất độc đáo. Ông hỏi người bán và được biết vật này được phát hiện ở làng Đông Sơn. Về Hà Nội, Golubev đề nghị Ban Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ tổ chức cuộc khai quật khảo cổ học nghiêm túc ở Đông Sơn. Uy tín của nhà khoa học Nga lớn đến nỗi công việc được bắt đầu ngay lập tức.”

Trong nhiều năm, cuộc khai quật đã phát hiện khoảng 500 hiện vật khác nhau, bao gồm hàng chục trống đồng lớn. Phân tích hoá học cho thấy trong thành phần của chúng có tỷ lệ thiếc cao, không đặc trưng so với đồng Trung Quốc.

Golubev là người đầu tiên so sánh các dữ liệu của hiện vật khai quật Đông Sơn với các hoa văn trên trống đồng “cầu mưa” được phát hiện trước đó và lưu giữ tại Bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ. Ông đã phát hiện ra sự giống nhau của nhiều hình vẽ và bằng cách đó đã thiết lập nguồn gốc trống đồng Đông Sơn.

Khi nghiên cứu hình ảnh trên trống, nhà khoa học Nga đã đi đến kết luận rằng cầu mưa không phải là chức năng của chiếc trống lớn. Những cảnh mô tả trên trống phản ánh các nghi lễ cúng bái, các hoạt động tôn giáo thờ tổ tiên và vật tổ là loài chim. Và bản thân chiếc trống được dùng để gọi hồn.

Năm 1930, ông Golubev xuất bản một báo cáo dựa cơ sở khoa học gọi giai đoạn văn hóa Việt Nam đặc biệt ấy là văn hóa Đông Sơn. Nhà khoa học đã xác định thời điểm khởi đầu của nó là cách đây khoảng 3000 năm, khu vực chính phổ biếncủa nó nằm trong châu thổ sông Hồng và sông Mã.

Victor Golubev cũng đã theo dõi ảnh hưởng của nền văn hóa Đông Sơn đối với các khu vực liền kề. Ông ghi nhận dấu vết ảnh hưởng của nền văn hóa này ở miền Nam Trung Quốc, Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a và các đảo Châu Đại Dương.

Là người ủng hộ các liên hệ văn hoá rộng lớn thời cổ, Golubev luôn luôn nhấn mạnh nguồn gốc địa phương của văn hóa Đông Sơn. Ông đã mạnh mẽ phủ nhận quan điểm khoa học đang chiếm ưu thế vào thời đó rằng các sản phẩm đúc kim loại chỉ xuất hiện tại Việt Nam sau cuộc đô hộ của nhà Hán, cùng với các thuộc tính khác của nền văn minh Trung Quốc.

Phải nói thêm là về sau, kết luận này của nhà khoa học Nga đã được xác nhận từ truyền thuyết cổ của người Mường.Theo các truyền thuyết đó, những chiếc trống đẹp nhất được dâng cho người cai trị địa phương và những chiếc kém hơn được mang đi bán ở những nơi khác.

Trong thế giới khoa học, phát hiện của Victor Golubev được đánh giá rất cao và được gọi là "bước ngoặt trong nghiên cứu khảo cổ học và dân tộc học, không chỉ ở Đông Dương mà còn ở In-đô-nê-xi-a và châu Đại Dương."

Kết quả các cuộc khai quật mà các nhà khảo cổ Việt Nam tiến hành mấy thập kỷ trước đã khẳng định tính đúng đắn của các nguyên lý chính trong học thuyết văn hóa Đông Sơn, được đề xuất bởi nhà khoa học Nga Victor Golubev, người đã sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 1920 đến 1945.

Câu chuyện về nhà khảo cổ học Nga Viktor Golubev, người phát hiện ra nền văn hóa Đông Sơn sẽ được tiếp nối trong buổi phát thanh của chúng tôi vào ngày thứ Năm tới đây, trong loạt bài "Nhìn lại ngày hôm qua" nói về các mối liên hệ Nga Việt, và trên trang web của đài "Tiếng nói nước Nga."

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: