Danh sách mong muốn

Vang danh làng nghề đúc đồng Trà Đông

Đăng bởi LÊ MINH LÝ vào lúc 04/11/2018
Vang danh làng nghề đúc đồng Trà Đông

Sản phẩm của các nghệ nhân làng chè

(LV) - Xứ Thanh đã vang danh nhiều di sản nổi tiếng trong đó có nền văn minh đồ đồng Đông Sơn và nơi đây cũng xuất hiện nhiều làng nghề trong đó đúc đồng Trà Đông là làng nghề đúc đồng duy nhất có từ cổ xưa tồn tại đến ngày nay.

Làng Trà Đông (hay Chè Đúc) xưa kia gọi là Sơn Trang, tên nôm là Kẻ Chè một vùng đất cổ cách tỉnh lỵ Thanh Hóa 12km về phía tây bắc, nằm trong địa vực của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Chủ nhân của cơ sở sản xuất đồ đồng Đông Sơn đã làm ra nhiều báu vật vô giá: Trống đồng, thạp đồng và các đồ cúng tế gia công khác… Đây cũng là quê hương của các bậc “văn thần – võ tướng” danh tiếng như: Lê Tưởng, Lê Văn Hưu, Lê Bá Quát… là nơi có chùa Nghiêm dựng từ thời Lý. Thời tiền Lê (980 - 1009) nhà vua cho đào sông dẫn thủy, nhập điền gọi là sông nhà Lê, con sông đào chạy giữa làng đã chia làm hai làng Chè Thượng và Chè Đông.

Theo truyền thuyết từ thời nhà Lý, dòng họ Vũ đưa nghề đúc đồng về cho làng Chè Đông nên ở làng còn có câu ca “Đất họ Lê – nghề họ Vũ” cũng có thuyết cho rằng nghề đúc đồng ở làng Chè Đông là do ông Khổng Minh Không truyền nghề (Khổng Minh Không là một nhân vật huyền thoại). Đến thời Tự Đức (1848 - 1883) dân phường đúc đồng Trà Đông lập đền thờ thánh Khổng Minh Không vị tổ sư nghề đúc đồng ở nước ta. Từ đó hai ông họ Vũ cũng được thờ chung ở đền. Đối với dân phường đúc đồng Trà Đông, đền thánh “Khổng Minh Không” và hai vị thần họ Vũ tối linh thiêng. Ngay cả các phường buôn bán đồng ở làng xung quanh và đại bái, bái giao (xã Thiệu Giao) cũng rất tôn kính.

Hằng năm vào kỳ tế “Thánh” ngày 8/giêng -3/6 – 13/9 âm lịch dân vùng Trà Đông tổ chức lễ hội với nghi thức long trọng, thể hiện đặc trưng văn hóa của phường đúc đồng. Ngoài ra, vào các ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, các gia đình làm nghề đúc đồng đều dâng hương cầu mong ‘‘Đức Thánh’’ phù hộ cho công việc làm ăn sinh sống được tốt lành.

Ngoài việc tôn thờ vị tổ người đúc đồng, dân làng đúc đồng Trà Đông còn có một số lễ tín ngưỡng rất cổ đó là tục tông thờ “Màu đỏ” cho màu đỏ là “Khước” trong khi đúc đồng. Người ta còn kiêng kỵ việc người ngoài đến “xin lửa” trong khi đúc đồng nhất là khi bắt đầu “Chập lò”. Ban đầu, nghề đúc đồng mới chỉ có ở một số gia đình trong làng, về sau do nhu cầu sử dụng rộng rãi nghề mới phát triển lan ra khắp làng. Mỗi gia đình là một cơ sở sản xuất, là một lò riêng, chủ gia đình cũng là chủ lò đúc. Ngoài công việc chính là đúc ra sản phẩm, các khâu khác quan trọng như tìm kiếm nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm đều do các gia đình đảm nhận. Việc đúc đồng là một công việc nặng nhọc, vất vả, chủ yếu do người đàn ông trong gia đình đảm nhiệm. Người phụ nữ ở Trà Đông làm các công việc phụ gia đình và tiêu thụ sản phẩm.

Đúc đồng là cả một quy trình kỹ thuật phức tạp bao gồm nhiều khâu, mỗi khâu có các bước, các thao tác kỹ thuật khác nhau. Các khâu đó là làm khuôn, pha chế hợp chất, nấu đồng, đúc sản phẩm... đều có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Kinh nghiệm trong nghề đúc thường được truyền trong gia đình, không được truyền sang làng khác.

Quang cảnh tại một xưởng đúc đồng tại làng Trà Đông. 

Sản phẩm do người thợ đúc đồng Trà Đông làm ra hết sức đa dạng, phong phú song chủ yếu là hàng dân dụng truyền thống những đồ dùng cần thiết trong gia đình như các loại nồi, niêu, năng, nồi ba, nồi tư, nồi năm, nồi tám, nồi mười, nồi ba mươi. Các loại đồ thờ cúng như: Bát hương, ly hương, đế đèn nến… Những vật lớn như: Chuông, tượng, Đại tự, Cồng, chiêng, hay các tác phẩm nghệ thuật khác… Đặc biệt người thợ đúc đồng Trà Đông ngày nay còn có khả năng làm ra các loại chi tiết máy móc đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Xưa nay sản phẩm của nghề đúc đồng rất được ưa chuộng đảm bảo độ bền, sáng bóng, mẫu mã đẹp và không bị “rỉ đồng”. Thợ đúc đồng Trà Đông được mời đi đúc ở nhiều nơi. Một số nơi khác đã tìm đến làng đúc đồng Trà Đông học tập kỹ thuật đúc. Năm 1971, các nghệ nhân làng Trà Đông đã đúc thành công pho tượng Bác Hồ (cao 1,50m, nặng 600kg đồng) đạt yêu cầu thẩm mỹ. Ngoài ra, thợ đúc đồng ở đây còn tham gia đúc thành công trống đồng Đông Sơn đúng theo kiểu dáng, hoa văn xưa.

Tượng Bác Hồ đúc năm 1971 tại làng Chè

Chợ Chè (làng Trà Đông) nổi tiếng xưa nay là một trung tâm buôn bán đồ đồng. Các loại sản phẩm làm ra từ đồng, nguyên liệu để đúc đồng đều được bán ở đây dưới hai hình thức bán buôn và bán lẻ. Tạo ra không khí mua bán nhộn nhịp, sầm uất. Ngoài ra, từ lâu nhân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi Thanh Hóa và nước bạn Lào, Camphuchia đã tín nhiệm đồ đồng của làng nghề đúc đồng Trà Đông nhất là các loại nồi, xanh (dùng để nấu thức ăn), miếng (dùng để trưng cất tinh dầu, hấp…) nên đã đến tận nơi để đặt hàng và mua hàng.

Có thể nói nghề đúc đồng Trà Đông không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà nó còn có giá trị lớn về văn hóa. Nghề đúc đồng Trà Đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát huy và bảo tồn bản sắc truyền thống của dân tộc. Những sản phẩm của người thợ đúc đồng làng Trà Đông đã góp phần làm rạng rỡ cho nền văn hóa Việt Nam thêm phong phú, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguyễn Linh

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: